Đảm bảo an toàn cháy nổ cho hạ tầng kỹ thuật là một trong những yếu tố tiên quyết khi thiết kế và quản lý khu đô thị, khu công nghiệp, kinh tế và chế xuất. Hệ thống phòng cháy chữa cháy (hệ thống PCCC) không chỉ đại diện cho một phần trong mạng lưới an ninh tổng thể của một dự án, mà còn góp phần bảo vệ tài sản cũng như sự sống của con người.
Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách thiết kế hệ thống PCCC một cách hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn quy định, để đối phó với các tình huống hỏa hoạn không lường trước được, nhằm tăng cường sự vững chãi cho cấu trúc hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp và kinh tế hiện đại.
Theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy (PCCC) của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu du lịch, khu nghiên cứu, đào tạo, thể dục thể thao (sau đây viết gọn là các khu chức năng khác) khi xây dựng mới, cải tạo phải được cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH theo thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về hệ thống PCCC trước khi thi công và chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa vào sử dụng.
Mục lục
ToggleCác tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho hệ thống PCCC
Khi thiết kế hệ thống PCCC cho hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, khu công nghiệp, kinh tế, chế xuất, cụm công nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn sau:
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy;
- Nghị định 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đầu tư công;
- QCVN 01:2021/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng;
- QCVN 07:2010/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
- QCVN 06:2022/BXD: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình;
- TCVN 3890:2023: Phương tiện PCCC cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng;
- TCVN 6379:1998 “Thiết bị chữa cháy – Trụ nước chữa cháy – Yêu cầu kỹ thuật”;
- TCXDVN 33: 2006: Cấp nước – mạng lưới đường ống và công trình -tiêu chuẩn thiết kế.
Quy mô phân cấp thẩm duyệt về hệ thống PCCC
- C07 thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Dự án, công trình không phân biệt nguồn vốn đầu tư đáp ứng tiêu chí phân loại dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án, công trình nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công (trừ các dự án, công trình đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước do cấp tỉnh là chủ đầu tư); công trình có chiều cao trên 100m; công trình xây dựng trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; dự án đầu tư xây dựng công trình do PC 07 Công an cấp tỉnh đề nghị, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự;
- Phòng PC07 Công an cấp tỉnh thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với: Đồ án quy hoạch đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch trên địa bàn quản lý; dự án, công trình không thuộc thẩm quyền của C07 trên địa bàn quản lý và những trường hợp do C07 ủy quyền, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự.
Đường giao thông cho xe chữa cháy
- Chiều rộng thông thủy của mặt đường cho xe chữa cháy không được nhỏ hơn 3,5m.
- Khi điều kiện sản xuất không yêu cầu có đường vào thì đường cho xe chữa cháy được phép bố trí phần đường rộng 3,5m cho xe chạy.
- Bãi đỗ xe chữa cháy phải có chiều rộng thông thủy bảo đảm khả năng đi vào để triển khai các phương tiện chữa cháy phù hợp với chiều cao PCCC và nhóm nguy hiểm cháy theo công năng của nhà
(Theo Điều 6.2.1.1, 6.2.1.2, 6.2.2.3 QCVN 06:2022/BXD)
- Chiều cao thông thủy để các phương tiện chữa cháy đi qua không được nhỏ hơn 4,5m;
- Kích thước của kết cấu chặn phía trên (đo dọc theo chiều dài của đường cho xe chữa cháy và bãi đỗ xe chữa cháy) không được lớn hơn 10 m;
- Nếu có từ hai kết cấu chặn phía trên bắc ngang qua đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy thì khoảng thông giữa những kết cấu này không được nhỏ hơn 20m;
- Chiều dài của đoạn cuối của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy không bị chặn bởi các kết cấu chặn phía trên không được nhỏ hơn 20m;
- Chiều dài của bãi đỗ xe chữa cháy không được tính đến những đoạn có kết cấu chặn phía trên.
(Theo Điều 6.2.1.3 QCVN 06:2022/BXD)
- Tải trọng nền đường cho xe, bãi đỗ: Mặt đường phải đảm bảo chịu với chủng loại phương tiện của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH nơi được tải trọng của xe chữa cháy theo yêu cầu thiết kế và phù hợp xây dựng công trình. (Theo Điều 6.2.9 QCVN 06:2022/BXD)
- Khoảng cách từ mép đường cho xe chữa cháy đến tường của ngôi nhà phải không lớn hơn 5 m đối với các nhà có chiều cao nhỏ hơn 12 m, không lớn hơn 8 m đối với các nhà có chiều cao trên 12 m đến 28 m và không lớn hơn 10 m đối với các nhà có chiều cao trên 28 m.
- Trong những trường hợp cần thiết, khoảng cách từ mép gần nhà của đường xe chạy đến tường ngoài của ngôi nhà và công trình được tăng đến 60 m với điều kiện ngôi nhà và công trình này có các đường cụt vào, kèm theo bãi quay xe chữa cháy và bố trí các trụ nước chữa cháy. Trong trường hợp đó, khoảng cách từ nhà và công trình đến bãi quay xe chữa cháy phải không nhỏ hơn 5 m và không lớn hơn 15 m và khoảng cách giữa các đường cụt không được vượt quá 100 m.
(Theo Điều 6.2.2.3 QCVN 06:2022/BXD)
- Độ dốc của đường: Không được quá 1:8,3 (Theo Điều 6.2.4 QCVN 06:2022/BXD)
- Đoạn tránh xe: Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng tối thiểu 7 m dài 8 m. (Theo Điều 6.5 QCVN 06:2022/BXD)
- Bãi quay xe đối với đường dạng cụt: Nếu chiều dài của đường cho xe chữa cháy hoặc bãi đỗ xe chữa cháy dạng cụt lớn hơn 46 m thì ở cuối đoạn cụt phải có bãi quay xe được thiết kế theo quy định
- Kích thước bãi quay xe:
+ Hình tam giác đều có cạnh không nhỏ hơn 7 m, một đỉnh nằm ở đường cụt, hai đỉnh nằm cân đối ở hai bên đường
+ Hình vuông có cạnh không nhỏ hơn 12 m.
+ Hình tròn, đường kính không nhỏ hơn 10 m.
+ Hình chữ nhật vuông góc với đường cụt, cân đối về hai phía của đường, có kích thước không nhỏ hơn 5 m x 20 m
(Theo Điều 6.4 QCVN 06:2022/BXD)
- Điểm lấy nước cho xe chữa cháy:
+ Các hồ ao để cho xe chữa cháy hút nước phải có lối tiếp cận và có bãi đỗ xe kích thước không nhỏ hơn 12 m × 12 m với bề mặt bảo đảm tải trọng dành cho xe chữa cháy
+ Đối với các hồ nước được sử dụng để chữa cháy, cần bố trí lối vào với khoảng sân có kích thước mỗi cạnh không nhỏ hơn 12 m.
(Theo Điều 5.1.5.4; 6.2.2.3 QCVN 06:2022/BXD)
Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà
Quy định chung
Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà trang bị cho nhà và công trình sau:
- Nhà cơ quan hành chính, nhà ở tập thể, chung cư;
- Khách sạn, bệnh viện, trường học, công trình văn hóa, thể thao;
- Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị;
- Nhà ga, kho tàng, nhà phụ trợ của công trình công nghiệp, các loại công trình công cộng khác;
- Nhà sản xuất, công trình công nghiệp.
- Nhà sản xuất, công trình công nghiệp.
Những trường hợp sau đây không bắt buộc lắp đặt hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà:
- Điểm dân cư có số người dưới 50 người và nhà có số tầng không cao quá 2 tầng;
- Các ngôi nhà ngoài điểm dân cư, các cơ sở ăn uống có khối tích đến 1000 m3, cửa hàng có diện tích đến 150m2 (trừ cửa hàng bán hàng công nghiệp), các nhà công cộng bậc chịu lửa I, II có khối tích đến 250 m3 bố trí tại các điểm dân cư;
- Nhà sản xuất có hạng sản xuất E, bậc chịu lửa I, II có khối tích đến 1000 m3 (trừ những ngôi nhà có cột bằng kim loại không được bảo vệ hoặc bằng gỗ, chất dẻo có khối tích lớn hơn 250 m3);
- Kho chứa sản phẩm nông nghiệp thời vụ có khối tích dưới 1000m3;
- Nhà kho chứa vật liệu cháy hoặc vật liệu không cháy trong bao bì cháy được có diện tích đến 50 m2
Nguyên lý thiết kế
- Cho phép thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy riêng biệt khi việc kết hợp với hệ thống cấp nước sinh hoạt hoặc sản xuất không có lợi về kinh tế. (Theo Điều 10.1 TCVN 2622:1995)
Số lượng đám cháy tính toán
- Số đám cháy tính toán đồng thời cho một cơ sở công nghiệp hoặc nông nghiệp phải được lấy theo diện tích của cơ sở đó, cụ thể như sau:
+ Nếu diện tích đến 150 ha lấy là 1 đám cháy;
+ Nếu diện tích trên 150 ha lấy là 2 đám cháy.
- Số đám cháy tính toán đồng thời tại một khu vực kho dạng hở hoặc kín chứa vật liệu từ gỗ, lấy như sau: diện tích kho đến 50 ha lấy là 1 đám cháy; diện tích trên 50 ha lấy là 2 đám cháy.
(Theo Điều 5.1.3.1 QCVN 06:2022/BXD)
- Khi kết hợp đường ống chữa cháy của khu dân cư và cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu dân cư thì số đám cháy tính toán đồng thời tính như sau:
+ Khi diện tích của cơ sở công nghiệp đến 150 ha và dân số của khu dân cư đến 10 nghìn người, lấy là 1 đám cháy (lấy lưu lượng nước theo bên lớn hơn); tương tự với số dân từ 10 đến 25 nghìn người lấy là 2 đám cháy (1 đám cháy cho cơ sở công nghiệp và 1 đám cháy cho khu dân cư).
+ Khi diện tích của cơ sở công nghiệp trên 150 ha và số dân đến 25 nghìn người, lấy là 2 đám cháy (2 đám cháy tính cho khu vực cơ sở công nghiệp hoặc 2 đám cháy tính cho khu dân cư, lấy theo lưu lượng nước yêu cầu của bên lớn hơn).
+ Khi số dân trong khu trên 25 nghìn người thì lưu lượng nước được xác định bằng tổng của lưu lượng yêu cầu lớn hơn (tính cho khu vực cơ sở công nghiệp hoặc khu dân cư) và 50 % lưu lượng yêu cầu nhỏ hơn (tính cho cơ sở hoặc khu dân cư).
(Theo Điều 5.1.3.2 QCVN 06:2022/BXD)
Lưu lượng nước chữa cháy ngoài nhà
Đối với khu dân cư, khu chức năng khác
- Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà (tính cho 1 đám cháy) và số đám cháy đồng thời trong một vùng dân cư tính cho mạng đường ống chính nối vòng lấy theo
Bảng 7 QCVN 06:2022/BXD
Dân số (x1.000 người) | Số đám cháy đồng thời | Lưu lượng 1 đám cháy | |
Nhà không quá 2 tầng | Nhà 3 tầng trở lên | ||
≤ 1 | 1 | 5 | 10 |
Từ 1 đến 5 | 1 | 10 | 10 |
Trên 5 đến 10 | 1 | 10 | 15 |
Trên 10 đến 25 | 2 | 10 | 15 |
Trên 25 đến 50 | 2 | 20 | 25 |
Trên 50 đến 100 | 2 | 25 | 35 |
Trên 100 đến 200 | 3 | 40 | 40 |
Trên 200 đến 300 | 3 | 55 | |
Trên 300 đến 400 | 3 | 70 | |
Trên 400 đến 500 | 3 | 80 | |
Trên 500 đến 600 | 3 | 85 | |
Trên 600 đến 700 | 3 | 90 | |
Trên 700 đến 800 | 3 | 95 | |
Trên 800 đến 1000 | 3 | 100 | |
Trên 1000 | 5 | 110 |
Bảng 8 – Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà của nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F1, F2, F3, F4
Loại nhà | Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà không phụ thuộc bậc chịu lửa tính cho 1 đám cháy, l/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3 | ||||
≤ 1 | Trên 1 đến 5 | Trên 5 đến 25 | Trên 25 đến 50 | Trên 50 | |
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) |
Nhà nhóm F1.3, F1.4 có một hoặc nhiều đơn nguyên với số tầng: | |||||
≤ 3 | 10(1) | 10(1) | 15 | 15 | 20 |
Trên 3 đến 12 | 10 | 15 | 15 | 20 | 20 |
Trên 12 đến 16 | – | 20 | 20 | 25 | 25 |
Trên 16 | – | 20 | 25 | 25 | 30 |
Nhà nhóm F1.1, F1.2, F2, F3 và F4 với số tầng: | |||||
≤ 3 | 10(1) | 10(1) | 15 | 20 | 25 |
Trên 3 đến 12 | 10 | 15 | 20 | 25 | 30 |
Trên 12 đến 16 | – | 20 | 25 | 30 | 35 |
Trên 16 | – | 25 | 30 | 30 | 35 |
1) Đối với nhà thuộc khu vực làng, xã (nông thôn) lấy lưu lượng nước cho 1 đám cháy là 5 L/s. |
Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao lấy theo
Bảng 9: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà nhóm F5
Bậc chịu lửa của nhà | Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà | Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà | Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có lỗ mở trên mái không phụ thuộc vào chiều rộng của nhà, cũng như nhà không có lỗ mở trên mái có chiều rộng không lớn hơn 60 m, tính cho 1 đám cháy, L/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3 | |||||||
≤ 3 | > 3 đến ≤ 5 | > 5 đến ≤ 20 | > 20 đến ≤ 50 | > 50 đến ≤ 200 | > 200 đến ≤ 400 | > 400 đến ≤ 600 | > 600 | |||
I và II | S0, S1 | D, E | 10 | 10 | 10 | 10 | 15 | 20 | 25 | 35 |
I và II | S0, S1 | A, B, C | 10 | 10 | 15 | 20 | 30 | 35 | 40 | 50 |
III | S0, S1 | D, E | 10 | 10 | 15 | 25 | 35 | 40 | 45 | – |
III | S0, S1 | A, B, C | 10 | 15 | 20 | 30 | 45 | 60 | 75 | – |
IV | S0, S1 | D, E | 10 | 15 | 20 | 30 | 40 | 50 | 60 | – |
IV | S0, S1 | A, B, C | 15 | 20 | 25 | 40 | 60 | 80 | 100 | – |
IV | S2, S3 | D, E | 10 | 15 | 20 | 30 | 45 | – | – | – |
IV | S2, S3 | A, B, C | 15 | 20 | 25 | 40 | 65 | – | – | – |
V | – | D, E | 10 | 15 | 20 | 30 | 55 | – | – | – |
V | – | C | 15 | 20 | 25 | 40 | 70 | – | – | – |
Bảng 10 – Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà nhóm F5 không có lỗ mở trên mái có chiều rộng trên 60m
Bậc chịu lửa của nhà | Cấp nguy hiểm cháy kết cấu của nhà | Hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ của nhà | Lưu lượng nước chữa cháy ngoài nhà đối với nhà có chiều rộng từ 60 m trở lên, tính cho 1 đám cháy, l/s, theo khối tích nhà, 1 000 m3 | ||||||||
≤ 50 | > 50 đến ≤ 100 | > 100 đến ≤ 200 | > 200 đến ≤ 300 | > 300 đến ≤ 400 | > 400 đến ≤ 500 | > 500 đến ≤ 600 | > 600 đến ≤ 700 | > 700 đến ≤ 800 | |||
I và II | S0 | A, B, C | 30 | 40 | 50 | 60 | 70 | 80 | 90 | 100 | |
I và II | S0 | D, E | 10 | 15 | 20 | 25 | 30 | 35 | 40 | 45 | 50 |
Chú thích: Lỗ mở trên mái là các lỗ mở để thông gió đặt trên kết cấu mái của nhà (nóc gió) có diện tích không nhỏ hơn 2,5 % diện tích xây dựng của nhà đó.
Chú thích 1: Khi tính toán lưu lượng nước chữa cháy cho 2 đám cháy thì lấy giá trị bằng cho 2 nhà có yêu cầu lưu lượng lớn nhất.
Chú thích 2: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho các nhà phụ trợ nằm độc lập lấy theo Bảng 8 giống như cho nhà có nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F2, F3, F4, còn nếu nằm trong các nhà sản xuất thì tính theo khối tích chung của nhà sản xuất và lấy theo Bảng 9.
Chú thích 3: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn có bậc chịu lửa I, II với khối tích không lớn hơn 5000 m3 hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ D, E lấy bằng 5 L/s.
Chú thích 4: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho trạm truyền thanh, truyền hình không phụ thuộc khối tích của trạm và số lượng người sống trong khu vực đặt các trạm này, phải lấy không nhỏ hơn 15 L/s, ngay cả khi Bảng 9 và Bảng 10 quy định lưu lượng thấp hơn giá trị này.
Chú thích 5: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà có khối tích lớn hơn trong Bảng 9 và Bảng 10 phải tuân theo các yêu cầu đặc biệt.
Chú thích 6: Đối với nhà có bậc chịu lửa II làm bằng kết cấu gỗ thì lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà lấy lớn hơn 5 L/s so với Bảng 9 và Bảng 10.
Chú thích 7: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho nhà và khu vực kho lạnh bảo quản thực phẩm thì lấy giống nhà có hạng nguy hiểm cháy C.
Chú thích 8: Lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà cho cơ sở lưu trữ công-ten-nơ có hàng hóa phụ thuộc vào số lượng công-ten-nơ, được lấy như sau:
- Từ 30 đến 50 công-ten-nơ: lấy 15 L/s;
- Từ 51 đến 100 công-ten-nơ: lấy 20 L/s;
- Từ 101 đến 300 công-ten-nơ: lấy 25 L/s;
- Từ 301 đến 1000 công-ten-nơ: lấy 40 L/s;
- Từ 1001 đến 1500 công-ten-nơ: lấy 60 L/s;
- Từ 1501 đến 2000 công-ten-nơ: lấy 80 L/s;
- Nhiều hơn 2000 công-ten-nơ: lấy 100 L/s;
Các điểm lưu ý khác khi thiết kế hệ thống PCCC ngoài nhà
Nguồn cấp nước chữa cháy
- Từ trạm bơm chữa cháy riêng của khu
- Từ các nhà máy nước đô thị lân cận.
Kích thước đường ống
Đường kính của đường ống cấp và mạng sau đường ống cấp phải được tính toán trên cơ sở sau:
- Theo yếu tố kỹ thuật, kinh tế;
- Các điều kiện làm việc khi ngắt sự cố từng đoạn riêng.
- Đường kính ống dẫn nước chữa cháy ngoài nhà cho khu dân cư và cơ sở sản xuất không được nhỏ hơn 100 mm, đối với khu vực nông thôn – không được nhỏ hơn 75 mm.
(Theo Điều 5.1.4.5 QCVN 06:2022/BXD)
Khoảng cách giữa các trụ nước chữa cháy
- Khoảng cách giữa các trụ không vượt quá 150m (Theo Điều 2.10.5 QCVN 01:2019/BXD)
- Các trụ cấp nước chữa cháy phải được bố trí trên mạng đường ống sao cho tối thiểu 02 trụ khi lưu lượng yêu cầu từ 15 L/s trở lên, tối thiểu 01 trụ khi lưu lượng yêu cầu thấp hơn 15 L/s phục vụ đến mọi điểm của nhà xét theo phương ngang và bán kính phục vụ của mỗi trụ nước không lớn 200m tính theo đường di chuyển của vòi chữa cháy đi bên ngoài nhà.
Chú thích: Trên mạng đường ống cho các điểm dân cư đến 500 người cho phép thay thế các trụ cấp nước chữa cháy loại 3 cửa bằng đoạn đường ống đứng DN 80mm có lắp họng nước.
(Theo Điều 5.1.4.8 QCVN 06:2022/BXD)
Mạng lưới cấp nước ngoài nhà
- Mạng đường ống dẫn nước chữa cháy phải là mạch vòng. Cho phép làm các đường ống cụt khi: cấp nước cho chữa cháy hoặc sinh hoạt – chữa cháy khi chiều dài đường ống không lớn hơn 200m mà không phụ thuộc vào lưu lượng nước chữa cháy yêu cầu.
- Không cho phép nối vòng mạng đường ống ngoài nhà bằng mạng đường ống bên trong nhà và công trình.
- Ở các khu dân cư đến 5000 người và yêu cầu về lưu lượng nước cho chữa cháy ngoài nhà đến 10 L/s hoặc số họng nước chữa cháy trong nhà đến 12 thì cho phép dùng mạng cụt chiều dài trên 200m nếu có xây dựng bồn bể, tháp nước áp lực hoặc bể điều tiết dành cho mạng cụt, trong đó có chứa toàn bộ lượng nước cho chữa cháy.
(Theo Điều 5.1.4.2 QCVN 06:2022/BXD)
Độ sâu chôn ống:
- Với đường kính ống đến 300mm, độ sâu chôn ống không nhỏ hơn 0,5m tính từ mặt đất (mặt đường) đến đỉnh ống.
- Với đường kính ống lớn hơn 300mm, độ sâu chôn ống không nhỏ hơn 0,7m tính từ mặt đất (mặt đường) đến đỉnh ống.
(Theo Điều 8.26 TCXDVN 33:2006)
Áp lực tại trụ nước chữa cháy
- Áp suất tự do tối thiểu trong đường ống nước chữa cháy áp suất thấp (nằm trên mặt đất) khi chữa cháy phải không nhỏ hơn 10 m.c.n. Áp suất tự do tối thiểu trong mạng đường ống chữa cháy áp suất cao phải bảo đảm độ cao tia nước đặc không nhỏ hơn 10 m.c.n khi lưu lượng yêu cầu chữa cháy tối đa và lăng chữa cháy ở điểm cao nhất của tòa nhà.
- Áp suất tự do trong mạng đường ống kết hợp sinh hoạt hoặc sản xuất không nhỏ hơn 10 m.c.n và không lớn hơn 60 m.c.n. (Theo Điều 5.1.1.4 QCVN 06:2022/BXD)
Loại trụ
- Phù hợp theo TCVN 6379:1998
- Các công trình thuộc diện trang bị hệ thống họng nước chữa cháy cũng như hệ thống chữa cháy sprinkler tự động phải có đường ống kết nối từ trạm bơm cấp nước chữa cháy của công trình đến tối thiểu 01 trụ cấp nước chữa cháy loại 03 cửa hoặc loại 02 cửa DN65 đặt ở vị trí mặt bên ngoài tường công trình về phía có đường giao thông.
(Theo Điều 5.1.4.8 QCVN 06:2022/BXD)
Van khoá trên đường ống
- Đường ống phải được phân chia thành các đoạn bằng các van khóa bảo đảm để khi sửa chữa sẽ không ngắt nhiều hơn 05 trụ cấp nước chữa cháy
(Theo Điều 5.1.4.3 QCVN 06:2022/BXD)
Bố trí trụ nước chữa cháy
- Các trụ cấp nước chữa cháy phải được bố trí ở khoảng cách không lớn hơn 2,5 m đến mép đường, nhưng không gần hơn 1m đến tường ngôi nhà; cho phép bố trí trụ nước (trụ ngầm) nằm ở đường giao thông.
(Theo Điều 5.1.4.6 QCVN 06:2022/BXD)
Lắp đặt trụ nước chữa cháy
- Khi lắp trụ nổi trên vỉa hè, họng lớn của trụ phải quay ra phía lòng đường, khoảng cách từ mặt đất đến đỉnh trụ nước là 700mm. (Theo Mục A4, Phụ lục A TCVN 6379-1998)
Vật liệu làm ống
- Làm từ vật liệu chịu được áp lực, ăn mòn, phù hợp điều kiện làm việc của ống. (Theo Điều 8.26 TCXD VN 33:2006)
Trạm bơm cấp nước chữa cháy
Máy bơm cấp nước chữa cháy dù thiết kế riêng biệt hay kết hợp với hệ thống nước sinh hoạt, sản xuất đều phải có máy bơm dự phòng, có công suất tương đương với máy bơm chính. Số lượng máy bơm dự phòng được quy định như sau:
- Khi tính toán cần từ một đến ba máy bơm chữa cháy chính thì phải có ít nhất một máy bơm dự phòng;
- Khi tính toán cần bốn máy bơm chữa cháy chính trở lên thì phải có ít nhất hai máy bơm dự phòng;
Máy bơm cấp nước chữa cháy có thể điều khiển tại chỗ bằng tay hoặc điều khiển tự động từ xa và phải bảo đảm cho máy bơm được kích hoạt vận hành trong thời gian không chậm quá 3 phút kể từ khi có tín hiệu báo cháy. Khi lưu lượng cấp nước cho chữa cháy ngoài nhà yêu cầu từ 25 L/s trở lên thì phải có cơ cấu điều khiển máy bơm chữa cháy tự động từ xa
(Theo Điều 5.3.1; 5.3.2 QCVN 06:2022/BXD)
Thể tích nước chữa cháy trong bồn, bể
- Thể tích nước chữa cháy trong bồn, bể phải được tính toán để bảo đảm:
- Thực hiện việc cấp nước chữa cháy từ trụ nước ngoài nhà và các hệ thống PCCC khác;
- Cung cấp cho các thiết bị chữa cháy chuyên dụng (sprinkler, drencher và tương tự) không có bể riêng;
- Lượng nước tối đa cho sinh hoạt và sản xuất trong suốt quá trình chữa cháy.
- Khi xác định thể tích nước chữa cháy trong các bồn, bể thì cho phép tính cả việc nạp thêm vào bồn, bể trong thời gian chữa cháy nếu nó có hệ thống cấp nước bảo đảm quy định
(Theo Điều 5.1.5.3; 5.1.5.4 QCVN 06:2022/BXD)
Bán kính phục vụ của bồn, bể, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo
Bồn, bể, trụ nước chữa cháy ngoài nhà, hồ nước chữa cháy tự nhiên và nhân tạo phải đặt tại vị trí bảo đảm bán kính phục vụ:
- Khi có xe bơm là 200 m;
- Khi có máy bơm di động là 100m đến 150m trong phạm vi hoạt động kỹ thuật của máy bơm;
- Để tăng bán kính phục vụ, cho phép lắp đặt các đường ống cụt có chiều dài không quá 200m từ bồn, bể và hồ nhân tạo bảo đảm theo quy định tại 5.1.5.8 QCVN 06:2022/BXD;
- Khoảng cách từ điểm lấy nước từ bồn, bể hoặc hồ nhân tạo đến nhà có bậc chịu lửa III, IV và V hoặc đến kho hở chứa vật liệu cháy được phải không nhỏ hơn 30m, đến nhà bậc chịu lửa I và II phải không nhỏ hơn 10 m.
(Theo Điều 5.1.5.9 QCVN 06:2022/BXD)
Thời gian chữa cháy
Thời gian chữa cháy phải lấy là 3 giờ, ngoại trừ:
- Đối với nhà bậc chịu lửa I, II với kết cấu và lớp cách nhiệt làm từ vật liệu không cháy có các khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ D và E lấy là 2 giờ.
- Đối với kho dạng hở chứa vật liệu từ gỗ – không nhỏ hơn 5 giờ.
(Theo Điều 5.1.3.3 QCVN 06:2022/BXD)
Thời gian phục hồi nước chữa cháy
Thời gian lớn nhất để phục hồi nước dự trữ chữa cháy không lớn hơn:
- Đối với khu dân cư và cơ sở công nghiệp có khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B, C lấy là 24 giờ.
- Đối với cơ sở công nghiệp có khu vực thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ D và E lấy là 36 giờ.
- Đối với các khu dân cư và cơ sở nông nghiệp lấy là 72 giờ
(Theo Điều 5.1.3.4 QCVN 06:2022/BXD)
Nguồn điện cấp cho máy bơm nước chữa cháy
- Các máy bơm chữa cháy phải được kết nối với hai nguồn điện riêng biệt từ nguồn điện lưới, nguồn điện từ máy phát điện hoặc sử dụng máy bơm động cơ đốt trong. Cho phép không trang bị máy bơm dự phòng hoặc nguồn điện dự phòng khi cấp nước cho nhà sản xuất, nhà kho có bậc chịu lửa I, II với hạng nguy hiểm cháy, nổ hạng D, E và lưu lượng cấp nước chữa cháy ngoài nhà yêu cầu nhỏ hơn 20 L/s.
(Theo Điều 5.3.1 QCVN 06:2022/BXD)
Phương tiện chữa cháy cơ giới, đội PCCC chuyên ngành
- Khu công nghiệp có tổng diện tích nhỏ 50 ha phải trang bị tối thiểu 01 máy bơm chữa cháy di động.
- Khu công nghiệp có tổng diện tích từ 50 ha đến 150 ha phải trang bị tối thiểu 01 xe chữa cháy.
- Khu công nghiệp có tổng diện tích từ 150 ha đến 300ha phải trang bị tối thiểu 02 xe chữa cháy.
- Xe chữa cháy, tàu chữa cháy, máy bơm chữa cháy di động trang bị cho nhà và công trình đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Có đặc tính kỹ thuật và tính năng chữa cháy phù hợp với loại nhà và công trình cần bảo vệ;
+ Có chất chữa cháy, phương tiện, dụng cụ trang bị kèm theo đúng quy định.
- Xe chữa cháy, máy bơm chữa cháy di động và các thiết bị chữa cháy theo xe, máy bơm phải được để trong nhà có mái che (nhà xe).
- Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích trên 50 ha phải lập đội PCCC chuyên ngành
Củng cố an toàn cho không gian đô thị và công nghiệp, hệ thống PCCC không chỉ là yếu tố bắt buộc về mặt pháp lý, mà còn thể hiện trách nhiệm và tầm nhìn xa của chủ đầu tư đối với dự án.
Qua hướng dẫn thiết kế cụ thể và chi tiết, chúng tôi hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết và sẵn sàng hỗ trợ bạn triển khai một hệ thống PCCC tiêu chuẩn, đáng tin cậy, giữ cho tài sản và môi trường lao động của bạn tránh xa khỏi những rủi ro cháy nổ tiềm ẩn.
Bởi vì an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu, hãy để thiết kế hệ thống PCCC trở thành lớp áo giáp vững chắc cho hạ tầng kỹ thuật của bạn.
Chúng tôi hiểu rằng việc thiết kế và triển khai hệ thống PCCC là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng mọi công trình.
Vì vậy, nếu bạn cần sự tư vấn hoặc muốn biết thêm về các giải pháp tổng thể về hệ thống PCCC an toàn và tin cậy cho dự án của mình, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay. Đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ bạn và cung cấp các giải pháp phù hợp nhất cho nhu cầu cụ thể của bạn.
Đừng để bất kỳ rủi ro nào xảy ra, hãy bảo vệ công trình của bạn bằng cách đầu tư vào một hệ thống PCCC đáng tin cậy.
- Facebook: https://www.facebook.com/hanatavietnam
- Số điện thoại: 0985 849 199
- Email: hanata.ltd@gmail.com
Tham khảo thêm các bài viết khác dưới đây:
- Giải pháp kỹ thuật PCCC cho các khu tập thể,chung cư, cơ sở sản xuất cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Hướng dẫn thiết kế chi tiết hệ thống chữa cháy tự động bằng khí CO2
- Tìm hiểu về nguồn điện cấp cho hệ thống PCCC
- Thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy cho trường học
- Quy định về bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy
- Hướng dẫn thiết kế hệ thống báo cháy tự động