0985849199

hanata.ltd@gmail.com

A42 – TT18 Bạch Thái Bưởi, KĐT Văn Quán, Hà Đông, TP. Hà Nội

Tìm kiếm
Close this search box.

Hướng dẫn thiết kế hệ thống chữa cháy khí Aerosol

Ngày nay, công nghệ chữa cháy khí Aerosol đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ an toàn cho các môi trường công nghiệp, thương mại và dân dụng. Với khả năng ngăn chặn cháy lan và dập tắt đám cháy trong các môi trường đa dạng. 

Hôm nay, Hanata sẽ hướng dẫn chi tiết các bạn thiết kế hệ thống chữa cháy khí Aerosol, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và quy định hiện hành, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với công tác thẩm duyệt thiết kế Phòng Cháy Chữa Cháy (PCCC) với cơ quan chức năng.

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol là gì?

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol hay còn được biết đến với tên gọi hệ thống chữa cháy Sol-khí là hệ thống chữa chữa cháy thuộc thế hệ mới nhất với rất nhiều ưu điểm tuyệt vời như chi phí rẻ, dễ dàng lắp đặt, độ an toàn cực cao,…

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Hệ thống chữa cháy khí Aerosol

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol là một phương tiện chữa cháy gồm những hạt rắn mịn, kích thước cực nhỏ chỉ khoảng 10 micrômét và thuộc thể khí.

Thành phần của Aerosol hay Sol-khí là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác. Trong một hệ Aerosol bao gồm cả các hạt và khí lơ lửng, thường là không khí.

Khí Aerosol trong các hệ thống chữa cháy:

Theo tiêu chuẩn NFPA 2010, bột Aerosol tồn tại ở hai dạng:

  • Aerosol cô đặc: Vật liệu dập lửa gồm các phần tử rắn được chia tách cực nhỏ, đường kính thông thường dưới 10 micrômét và chất khí, được tạo ra bởi quá trình đốt cháy hợp chất hình thành khí thuần nhất.
  • Aerosol phân tán: Vật liệu dập lửa gồm các phần tử hóa chấy chia tách cực nhỏ, có đường kính dưới 10 micrômét. Vật liệu này được nạp bên trong một bình chứa, và được nén dưới dạng khí trơ hoặc khí halocarbon.
  • Khi được kích hoạt, Aerosol chữa cháy trông giống như một đám sương mù dày đặc và khuếch tán ở dạng khí.

Nguyên lý hoạt động: Hệ thống chữa cháy khí Aerosol hoạt động bằng cách phát thải các hạt Aerosol, làm giảm nồng độ oxy trong khu vực cháy và làm ngắt quãng chuỗi phản ứng hóa học của đám cháy. Hạt Aerosol được tạo ra từ chất chữa cháy và được phát thải ra môi trường cháy dưới dạng khí.

Nguyên lý dập lửa của khí Aerosol:

Không giống như các chất chữa cháy cổ điển khác (CO2, Nitơ, FM200), Aerosol dập tắt cháy bằng cách can thiệp về mặt hóa học vào những gốc tự do O, H, OH (oxy, hydrogen và hydroxide ion),  tại khu vực có cháy, nó làm gián đoạn chuỗi phản ứng đang tiếp diễn ấy của sự cháy.

Aerosol can thiệp vào chuỗi phản ứng hóa học của sự cháy, nhờ đó nó giữ nguyên vẹn mức oxy bình thường trong bầu không khí.

Nguyên lý dập lửa của khí Aerosol
Nguyên lý dập lửa của khí Aerosol

Aerosol can thiệp vào phản ứng hóa học của sự cháy:

Ban đầu ngọn lửa được hình thành nhờ 3 yếu tố: vật liệu cháy, nhiệt và oxy trong không khí. Ngọn lửa muốn duy trì phải có đủ lượng oxy, nhiệt, vật liệu cháy không bị cách ly và yếu tố quan trọng là chuỗi phản ứng cháy: O, H, OH (các gốc nguyên tử tạo ra phản ứng cháy).

Khi phun vào khu vực có cháy, Aerosol giữ vai trò là một chất trung gian, tác động và phản ứng với những gốc hóa học trong quá trình cháy (O, H, OH) của sự cháy nói trên. Aerosol gồm chủ yếu là những hạt kali (K) li ti, có đường kính khoảng gần 2 micrômét.

Ưu, nhược điểm của hệ thống chữa cháy khí Aerosol với hệ thống chữa cháy khí FM200/CO2/Nitơ:

Mỗi hệ thống chữa cháy tự động sẽ có những đặc điểm riêng phù hợp với các mục đích bảo vệ công trình khác nhau.

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Hệ thống chữa cháy khí Aerosol

Ưu điểm của hệ thống chữa cháy khí Aerosol:

  • So với các hệ thống chữa cháy khí khác (FM200, CO2, Nitơ), hệ thống chữa cháy khí Aerosol có chi phí lắp đặt rẻ hơn; dễ dàng lắp đặt và an toàn hơn.
  • Hệ thống chữa cháy khí Aerosol không cần bình chứa áp lực, không cần ống góp, đường ống dẫn khí, đầu phun. Điều đó đồng nghĩa là nó dễ dàng lắp đặt; làm giảm chi phí lắp đặt và bảo quản.
  • Số lượng chất Aerosol cần sử dụng để chữa cháy ít hơn nhiều so với các chất chữa cháy cổ điển khác như FM200, CO2, Nitơ.. vì thế nó tiết kiệm được nhiều không gian lắp đặt hơn.
  • Hệ thống chữa cháy khí Aerosol có thể lắp đặt ngay tại bất cứ nơi nào cần thiết. Do đó, nó không bị ràng buộc bởi kích thước không gian cần bảo vệ.
  • Vì không cần sử dụng đến bình chứa khí nên hệ thống chữa cháy khí Aerosol cực kỳ an toàn và người sử dụng không cần lo lắng đến vấn đề áp lực bình.
  • Vì nguyên lý chữa cháy của Aerosol  là bẻ gãy chuỗi phản ứng hóa học của các gốc tự do tại khu vực cháy mà không làm giảm lượng oxy có trong không khí nên con người có thể hoạt động ở khu vực chữa cháy.
  • Aerosol trong các hệ thống chữa cháy là có dạng các hạt nhỏ liti không màu, không mùi, không ăn mòn cũng không dẫn điện nên hoàn toàn không gây hại cho thiết bị và vật dụng trong vùng chữa cháy.
  • Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ đã phê duyệt Aerosol là chất thay thế chấp nhận được cho Halon 1301 trong Hệ thống phun chất chữa cháy. 

Nhược điểm của hệ thống chữa cháy khí Aerosol.

  • Không thử nghiệm được vì khi kích hoạt hệ thống sẽ phun hết khí trong 15s không thể ngừng được.
  • Không hiệu quả bằng các hệ thống chữa cháy khí khác (FM200, CO2, Nitơ) nếu sử dụng trong phòng lớn.
  • Không hiệu quả nếu sử dụng tại những khu vực thoáng khí.
  • Chỉ sử dụng được 1 lần, sau khi chữa cháy phải thay bình mới mà không thể nạp khí để sử dụng cho những lần tiếp theo như các hệ thống chữa cháy khác.

|Xem thêm bài viết: Hướng dẫn thiết kế hệ thống chữa cháy tự động khí CO2

|Xem thêm bài viết: Hướng dẫn thiết kế hệ thống chữa cháy khí FM200

Quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng thiết kế hệ thống khí Aerosol

  • TCVN 13333 : 2021 Hệ thống chữa cháy bằng Khí Aerosol – Yêu cầu về thiết kế, lắp đặt, kiểm tra và bảo dưỡng.
  • TCVN 5738 : 2021 Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống báo cháy tự động – Yêu cầu kỹ thuật.

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol phù hợp với những đám cháy nào?

Theo tiêu chuẩn NFPA 2010, hệ thống chữa cháy khí Aerosol có thể được sử dụng để dập các đám cháy:

  • Đám cháy loại A: Đám cháy có nguồn gốc là các vật liệu dễ cháy thông thường như gỗ, vải, giấy, cao su và nhựa.
  • Đám cháy loại B: Đám cháy có nguồn gốc là chất lỏng dễ cháy như mỡ dầu mỏ, xăng, hắc ín, dầu, dung môi, sơn dầu, sơn mài, rượu.
  • Đám cháy loại C: Đám cháy liên quan đến các thiết bị điện năng.

Hệ thống chữa cháy khí Aerosol không được sử dụng cho các đám cháy liên quan đến các loại nhiên liệu sau trừ khi các thử nghiệm liên quan mang đến kết quả được thông qua.

  • Các hóa chất làm ô nhiễm nguồn cung cấp oxy, chẳng hạn như cellulose nitrate;
  • Hỗn hợp chứa vật liệu oxy hóa, chẳng hạn như natri clorat hoặc natri nitrat;
  • Các hóa chất có khả năng trải qua quá trình phân hủy tự động như một số peroxit hữu cơ và hydrazine.
  • Các kim loại kiềm (như natri, kali, magiê, titan và zirconi), kim loại hydrua, một số trong đó có thể phản ứng mạnh với một số chất chữa cháy Aerosol;
  • Các tác nhân oxy hóa như oxit nitric và flo.
  • Vật liệu pyrophoric như phốt pho trắng hoặc hợp chất hữu cơ kim loại.
Hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Hệ thống chữa cháy khí Aerosol

Tính toán lượng chất chữa cháy khí Aerosol

Nồng độ thiết kế

Căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất đã được tổ chức UL chứng nhận để xác định nồng độ dập tắt, nồng độ thiết kế của mỗi loại chất chữa cháy Khí Aerosol khác nhau cho các khu vực bảo vệ có đám cháy khác nhau

Nồng độ thiết kế của hệ thống chữa cháy khí Aerosol là 67% g/m³.

Khối lượng của hợp chất Aerosol được phun cần phải được tính toán từ công thức:

m= da x fa x V

Trong đó:

  • m = Tổng khối lượng hỗn hợp cần chữa cháy [g (lb)]
  • da = Mật độ thiết kế cho 1 m³ [g/m³ (lb / ft3)]
  • fa = Hệ số an toàn  (xem 7.5.2, NFPA 2010)
  • V = Thể tích cần bảo vệ [m³ (ft3)]

Yếu tố thiết kế bổ sung

  • Tùy vào tính chất của chất chữa cháy, nhà sản xuất sẽ cung cấp tính toán chi tiết trong hướng dẫn thiết kế để xác định lượng chất chữa cháy cần thiết bổ sung do chiều cao của khu vực bảo vệ, cũng như khu vực hở và vị trí không thể đóng kín của khu vực bảo vệ.
  • Ngoài lượng chất chữa cháy được xác định theo nồng độ thiết kế, phải có lượng chất chữa cháy bổ sung để bù đắp cho bất kỳ điều kiện đặc biệt nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy.

Yếu tố thiết kế bổ sung fa nhỏ nhất phải bao gồm:

  • Lượng Khí Aerosol để bù do thất thoát.
  • Lượng Khí Aerosol để bù do chiều cao trần của khu vực bảo vệ.

“Chú thích: Do chênh lệch giữa nhiệt độ và áp suất của không khí trong khu vực bảo vệ với chất chữa cháy Khí Aerosol được phun ra, dẫn đến khi khu vực bảo vệ có chiều cao khác nhau thì chất chữa cháy Khí Aerosol được phun ra sẽ phân bổ không đồng đều giữa phần trên và phần dưới trong không gian khu vực bảo vệ. Dựa vào đặc tính lý, hóa của mỗi chất chữa cháy mà các nhà sản xuất sẽ đưa ra thông số về lượng Khí Aerosol cần thiết để bù do chiều cao trần của khu vực bảo vệ”

Dẫn chứng bằng tài liệu những yếu tố thiết kế khác gồm:

  • Việc tái cháy từ các bề mặt nóng
  • Loại chất cháy, các thiết lập, các kịch bản không được giải thích của nồng độ dập tắt, hình dạng của khu vực bảo vệ, các vật cản và ảnh hưởng của chúng đến việc phân bổ chất chữa cháy
  • Áp suất môi trường xung quanh thay đổi hơn 11% (tương đương với thay đổi độ cao khoảng 915 m) so với áp suất theo mực nước biển.
Sơ đồ không gian hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Sơ đồ không gian hệ thống chữa cháy khí Aerosol

Kết cấu khu vực báo cháy hệ thống chữa cháy khí Aerosol

  • Khi chữa cháy theo thể tích thì khu vực bảo vệ phải có kết cấu bao che cố định đảm bảo để hệ thống đạt và duy trì được nồng độ thiết kế trong một khoảng thời gian xác định.
  • Khi thiết kế hệ thống chữa cháy theo thể tích phải xem xét đến sự toàn vẹn của khu vực bảo vệ.
  • Phải hạn chế tối đa diện tích các lỗ hở không thể đóng kín trên kết cấu bao che khu vực bảo vệ.
  • Phải bịt kín hoặc trang bị cửa có cơ cấu tự động đóng tại các lỗ hở của khu vực bảo vệ để tránh thất thoát chất chữa cháy sang khu vực liền kề.
  • Trường hợp không thể ngăn chặn thất thoát chất chữa cháy thì phải tính toán thiết kế phần mở rộng cho khu vực bảo vệ hoặc tính toán lượng chất chữa cháy phun bổ sung.
  • Hệ thống thông gió cưỡng bức phải tự động dừng hoạt động hoặc đóng kín khi xảy ra sự cố nếu như hoạt động tiếp tục của hệ thống này ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy hoặc gây cháy lan.
  • Hệ thống thông gió tuần hoàn hoàn toàn khép kín thì không cần ngưng hoạt động.
  • Thể tích của hệ thống thông gió và đường ống phải được tính toán vào thể tích khu vực bảo vệ để xác định lượng chất chữa cháy.
  • Khu vực được bảo vệ phải có độ bền và độ toàn vẹn kết cấu cần thiết để chịu được việc phun chất chữa cháy.
  • Nếu việc tăng áp suất khi phun đe dọa đến độ bền kết cấu của khu vực được bảo vệ thì phải có giải pháp xả áp.
  • Con người không được đi vào không gian được bảo vệ trong hoặc sau khi vừa phun chất chữa cháy.
  • Bất cứ ai vào khu vực được bảo vệ bởi hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol phải được cảnh báo về các mối nguy hiểm liên quan và được hướng dẫn quy trình thoát nạn.
  • Phải có quy định để ngăn chặn người không có phương tiện bảo hộ vào khu vực đã xả chất chữa cháy khí Aerosol cho đến khi khu vực này được thông gió.
  • Phải có các giải pháp an toàn như tập huấn, kí hiệu cảnh báo, báo động khi phun, thiết bị thở, sơ đồ thoát nạn.
  • Phải có phương tiện bảo hộ để bảo đảm sơ tán và ngăn chặn người vào khu vực bảo vệ, sơ tán người sau khi hệ thống hoạt động. 
  • Phải xem xét đến khả năng chất chữa cháy khí Aerosol di chuyển đến các khu vực lân cận bên ngoài không gian bảo vệ.

Bình phun khí Aerosol

Bình chữa cháy khí Aerosol là một thành phần của hệ thống chữa cháy Aerosol, một hệ thống chữa cháy được chứng minh là rất hiệu quả. Thiết bị phun không áp lực này được đặt bên trong khu vực cần bảo vệ.

Các loại máy phun khí Aerosol
Các loại máy phun khí Aerosol
  • Các bình phun khí Aerosol không được sử dụng dưới khoảng cách an toàn tối thiểu được ghi rõ trong hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Việc xác định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các lỗ phun của bình khí Aerosol với người trong khu vực bảo vệ phải căn cứ vào nhiệt độ phun khí Aerosol tại khoảng cách đó và không được quá 75°C (167°F).
  • Việc xác định khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các lỗ phun của bình Aerosol với các vật liệu dễ cháy phải căn cứ vào nhiệt độ phun Aerosol tại khoảng cách đó và không được quá 200°C (392°F).
  • Phải xem xét đến tác động của dư lượng hạt chất chữa cháy khi sử dụng để bảo vệ các thiết bị nhạy cảm với chất chữa cháy.
  • Khe hở giữa các phần mang điện không bọc cách điện của thiết bị điện với bất cứ thành phần nào của hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol phải không nhỏ hơn khe hở tối thiểu cách điện của mọi thành phần riêng lẻ.
  • Bình phun khí Aerosol và các phụ kiện phải được bố trí để bảo đảm các hoạt động kiểm tra, thử nghiệm hoạt động, bảo dưỡng được dễ dàng, giảm thiểu tối đa thời gian bị gián đoạn hoạt động. 
  • Bình phun khí Aerosol phải được bố trí bên trong hoặc càng gần với các mối nguy hiểm cần bảo vệ càng tốt.
  • Bình phun khí Aerosol không được bố trí ở nơi chúng không thể hoạt động hoặc có nguy cơ hỏng hóc về cơ khí, tiếp xúc với hóa chất hoặc các điều kiện khắc nghiệt của môi trường trừ khi có các biện pháp bảo vệ.
  • Bình phun khí Aerosol phải được lắp đặt bảo đảm an toàn theo hướng dẫn lắp đặt của nhà sản xuất.
  • Bình phun khí Aerosol phải có hướng dẫn sử dụng đúng quy định.

Hệ thống kích hoạt, điều khiển xả khí Aerosol

Hệ thống kích hoạt điều khiển xả khí Aerosol
Hệ thống kích hoạt điều khiển xả khí Aerosol
  • Hệ thống phát hiện, kích hoạt, báo động và điều khiển phải được cài đặt, thử nghiệm hoạt động và bảo dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 5738:2021
  • Phải cài đặt chế độ tự động phát hiện và tự động kích hoạt. Trong trường hợp hệ thống chỉ có chế độ kích hoạt bằng tay phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
  • Số lượng đầu báo cháy tự động cần phải lắp đặt cho một khu vực bảo vệ phụ thuộc vào yêu cầu phát hiện cháy trên toàn bộ diện tích của khu vực đó và phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.
  • Trường hợp hệ thống báo cháy tự động dùng để điều khiển hệ thống chữa cháy tự động thì mỗi điểm trong khu vực bảo vệ phải được kiểm soát bằng 2 đầu báo cháy tự động thuộc 2 kênh hoặc 2 địa chỉ khác nhau.

Dây tín hiệu điều khiển

  • Dây tín hiệu và dây điều khiển phải được đặt trong ống bảo vệ.
  • Không thi công dây điện xoay chiều và một chiều chung trong một đường ống, đường dây trừ khi được bảo vệ và nối đất.
  • Cáp tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi, dây tín hiệu nối từ các đầu báo cháy trong hệ thống báo cháy tự động dùng để kích hoạt hệ thống chữa cháy tự động là loại chịu nhiệt cao (cáp, dây tín hiệu chống cháy có thời gian chịu lửa 30 min). Cho phép sử dụng cáp tín hiệu điều khiển thiết bị ngoại vi là loại cáp thường nhưng phải có biện pháp bảo vệ khỏi sự tác động của nhiệt ít nhất trong thời gian 30 min.

Trang bị đầu báo cháy

  • Phải có giải pháp hoặc thiết bị tự động phát hiện và cảnh báo về nhiệt độ, ngọn lửa, nồng độ khói, hơi dễ cháy hoặc điều kiện bất thường trong khu vực nguy hiểm như sự cố có thể gây ra cháy.

Nguồn điện

  • Phải có nguồn điện chính và nguồn điện dự phòng tin cậy đảm bảo hoạt động thường trực tối thiểu trong 24h để đảm bảo yêu cầu về tự động phát hiện, tín hiệu cảnh báo, điều khiển và kích hoạt hệ thống.

Thiết bị kích hoạt, vận hành

  • Thiết bị vận hành phải gồm thiết bị xả chất chữa cháy, điều khiển xả và thiết bị dừng hoạt động cần thiết để vận hành hệ thống một cách tin cậy.
  • Hệ thống có thể được vận hành bằng giải pháp cơ khí, điện hoặc khí nén.
  • Thiết bị vận hành phải được thiết kế để hoạt động theo chức năng yêu cầu và không dễ bị làm cho mất khả năng hoạt động hay dễ bị vận hành không mong muốn.
  • Thiết bị vận hành phải được thiết kế để hoạt động trong giới hạn nhiệt độ cho phép.
  • Thiết bị vận hành phải được bố trí, lắp đặt hoặc bảo vệ đảm bảo không bị hỏng hóc do cơ học, hóa chất hay hỏng hóc do nguyên nhân khác dẫn đến không hoạt động được.

Thiết bị kích hoạt bằng tay

  • Kích hoạt bằng tay phải là loại dạng cơ, nếu dạng điện thì phải có thiết bị điều khiển giám sát nguồn điện.
  • Kích hoạt phun bằng tay phải tác động đồng thời đến thiết bị kích hoạt để phun và phân bổ chất chữa cháy.
  • Thiết bị kích hoạt bằng tay phải được bố trí để dễ dàng tiếp cận mọi thời điểm, kể cả khi xảy ra cháy.
  • Thiết bị kích hoạt bằng tay phải dễ nhận biết cho mục đích sử dụng.
  • Sự hoạt động của thiết bị kích hoạt bằng tay phải làm cho hệ thống hoạt động trọn vẹn.
  • Lực cần thiết tác động lên thiết bị kích hoạt bằng tay tối đa 178 N hoặc phải không cần phải dịch chuyển quá 356 mm để đảm bảo sự vận hành.
  • Phải có ít nhất một thiết bị điều khiển kích hoạt bằng tay được lắp đặt, song song với điều khiển tự động.
  • Khi áp suất khí từ hệ thống hoặc bình kích hoạt được dùng để mở các bình chứa thì lượng cung cấp và tốc độ phun phải thiết kế để bảo đảm có thể kích hoạt toàn bộ các bình chứa.
  • Các thiết bị để ngắt thiết bị bổ trợ phải được xem như bộ phận không tách rời của hệ thống và phải được hoạt động cùng hệ thống.
  • Tất cả thiết bị kích hoạt bằng tay phải được nhận diện theo khu vực bảo vệ.
  • Nút ấn điều khiển bằng tay phải được lắp đặt dễ tiếp cận, dễ nhận biết và được bảo vệ chống hư hại.
  • Các nút ấn bằng tay để  kích hoạt  phun chất chữa cháy phải là loại được vận hành bằng hai thao tác riêng biệt.
  • Các nút ấn bằng tay để kích hoạt phun chất chữa cháy phải có dấu hiệu nhận biết.
  • Phải có lưu ý đặc biệt đối với các thiết bị kích hoạt bằng tay của nhiều hệ thống được bố trí gần nhau để tránh nhầm lẫn trong kích hoạt hệ thống.

Thiết bị điều khiển

  • Thiết bị điều khiển bằng điện của hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol.
  • Thiết bị điều khiển phải giám sát các thiết bị kích hoạt và hệ thống dây tín hiệu kích hoạt liên quan.
  • Phải thể hiện số lượng, loại cơ cấu kích hoạt và khả năng tương thích của thiết bị điều khiển.
  • Thiết bị điều khiển bằng khí nén
  • Các đường ống phải được bảo vệ khỏi uốn cong và hư hại cơ học khi sử dụng thiết bị điều khiển bằng khí nén.
  • Phải có giải pháp bảo vệ để tránh tổn thất dòng khí nén khi lắp đặt.
  • Thiết bị điều khiển phải được liệt kê cụ thể về số lượng và loại thiết bị kích hoạt được sử dụng và phải liệt kê khả năng tương thích.

Thời gian trễ

  • Hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol phải có báo động và thời gian trễ trước khi phun, đủ để con người thoát nạn.
  • Với những khu vực nguy hiểm có nguy cơ cháy lan nhanh, mà việc thiết lập thời gian trễ sẽ làm gia tăng nghiêm trọng mối đe dọa đến tính mạng và tài sản thì thời gian trễ được phép bỏ qua.
  • Thời gian trễ chỉ được sử dụng để sơ tán con người hoặc chuẩn bị cho phun chất chữa cháy tại khu vực nguy hiểm.
  • Không sử dụng thời gian trễ làm khoảng thời gian để xác thực độ tin cậy của cảnh báo trước khi hệ thống được kích hoạt tự động.

Nút ấn tạm dừng

  • Nút ấn tạm dừng phải được bố trí ở khu vực bảo vệ và gần cửa ra vào.
  • Nút ấn tạm dừng phải là loại nút ấn đòi hỏi phải có tác động liên tục bằng tay để tạo ra tín hiệu tạm dừng kích hoạt.
  • Nút ấn tạm dừng không phải loại vẫn tạm dừng hệ thống khi không có mặt của con người.
  • Khi chức năng tạm dừng hoạt động thì phải có tín hiệu âm thanh và hình ảnh thể hiện sự tạm dừng hoạt động của hệ thống.
  • Chức năng của nút ấn tạm dừng phải được nhận biết rõ ràng.

Chuông, đèn cảnh báo

  • Phải có tín hiệu báo động hoặc hiển thị hoặc cả hai để thể hiện trạng thái hoạt động của hệ thống, mối nguy hiểm đối với con người hay các sự cố của thiết bị được giám sát.
  • Hình thức báo (âm thanh, hiển thị), số lượng và vị trí của các thiết bị báo động và hiển thị phải đảm bảo hoạt động theo đúng mục đích.
  • Phải có thiết bị báo động bằng âm thanh và hiển thị trong khu vực bảo vệ để cảnh báo trước khi phun chất chữa cháy.
  • Hoạt động của các thiết bị cảnh báo phải tiếp tục sau khi phun chất chữa cháy cho đến khi cảnh báo được ghi nhận và có các can thiệp thích hợp.
  • Phải có tín hiệu cảnh báo và chỉ dẫn ở lối vào và bên trong khu vực được bảo vệ.

Công tắc ngắt bảo trì

  • Phải có công tắc ngắt được giám sát để ngăn ngừa nguy cơ hệ thống phun ngoài mong muốn trong thời gian bảo trì.
  • Công tắc ngắt phải tác động và làm gián đoạn mạch điều khiển phun của hệ thống chữa cháy bằng khí Aerosol.

Bản vẽ hệ thống chữa cháy khí Aerosol file CAD

Sơ đồ nguyên lý hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Sơ đồ nguyên lý hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Mặt bằng bố trí hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Mặt bằng bố trí hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Mặt bằng bố trí hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Mặt bằng bố trí hệ thống chữa cháy khí Aerosol
Lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa khí Aerosol
Lắp đặt hệ thống điều khiển từ xa khí Aerosol

Bản vẽ thiết kế hệ thống chữa cháy khí Aerosol file CAD: link download

 

Thiết kế hệ thống chữa cháy khí Aerosol không chỉ đơn thuần là một quá trình, mà còn là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về nhu cầu cụ thể của từng công trình. Hanata, với kinh nghiệm lâu năm trong việc tư vấn thiết kế, thi công và cung cấp các thiết bị PCCC, cam kết đưa ra giải pháp tối ưu, phù hợp nhất cho mỗi khách hàng.

Đội ngũ nhân viên kỹ thuật và chuyên viên bán hàng của chúng tôi không ngừng được đào tạo và cập nhật kiến thức về sản phẩm định kỳ, nhằm đảm bảo rằng họ luôn sẵn sàng giải quyết mọi thách thức kỹ thuật và yêu cầu từ phía khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp nhất.

Hanata cam kết hệ thống chữa cháy khí Aerosol được tư vấn sẽ hoạt động hiệu quả và tuân thủ mọi tiêu chuẩn thiết kế của pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành, mang lại sự an tâm và tin tưởng tuyệt đối cho quý khách hàng. Hãy chọn chúng tôi là đối tác đáng tin cậy của bạn trong mọi dự án.

Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để biết thêm thông tin và nhận được báo giá tốt nhất!

Tham khảo thêm các bài viết khác dưới đây:

Share the Post:

Liên hệ báo giá

Để lại ngay thông tin Hanata sẽ liên hệ với bạn trong thời gian ngắn nhất. Hoặc có thể liên hệ ngay Hotline: 0985849199 để được tư vấn ngay bây giờ!